“Ý nghĩa duy nhất của cuộc sống là để PHỤNG SỰ nhân loại.”
Leo Tolstoy
Hơn 2600 năm trước, nhà triết học Trung Quốc cổ đại Lão Tử đã nói rằng: “Bậc trị dân giỏi nhất thì dân không biết là có vua, thấp hơn một bậc thì dân yêu quí và khen; thấp hơn nữa thì dân sợ; thấp nhất thì bị dân khinh lờn. Vua việc xong rồi mà trăm họ đều bảo: “Tự nhiên mình được vậy”. Suy ra, một nhà lãnh đạo giỏi nhất là khi mọi người hầu như không biết đến sự tồn tại của nhà lãnh đạo; khi công việc và mục tiêu của nhà lãnh đạo hoàn thành, những người đi theo họ sẽ nói: chúng tôi đã tự mình làm việc đó.”
Lão Tử nói tiếp: Người nào coi trọng sự hy sinh thân mình cho thiên hạ thì có thể giao thiên hạ cho người đó được. Người nào vui vẻ đem thân mình phục vụ thiên hạ thì có thể gửi gắm thiên hạ cho người đó được”. Như vậy, nhà lãnh đạo đích thực chính là người lấy việc phụng sự người khác làm lẽ sống của đời mình và cũng chính người đó được mọi người giao phó vai trò dẫn dắt đội nhóm, tổ chức.
Hơn 2500 trước, tinh thần “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật” xuyên suốt trong kinh điển Phật giáo. Bồ tát đạo là con đường cao quý, con đường mà bất kỳ ai mong muốn có trí tuệ viên mãn đều phải đi qua. Trên hành trì tu tập các hạnh nguyện đó, các vị Bồ tát luôn hướng làm lợi ích chúng sanh, giác mình giác người, độ mình độ người, dành lợi lạc cho người, hy sinh bản thân vì người khác.
Tinh thần Phụng Sự cũng được rao giảng rộng khắp trong kinh Cữu Ước và Tân Ước. Ai muốn trở thành lãnh đạo, ai đang là người lãnh đạo thì người đó sẽ Phụng Sự những người đi theo. Chúa Jesus và các vị Thánh Kito giáo là hiện thân của tinh thần Phụng Sự. Các Ngài dành trọn cuộc đời để sống thánh khiết, trong sạch, nhân ái và tận tâm giúp người.
Mặc dù tinh thần Phụng Sự là một khái niệm vượt thời gian và bao trùm không gian, những phải đến năm 1970, trong tác phẩm Người Phụng sự là Lãnh đạo, Robert K. Greenleaf đã lần đầu tiên ghép hai từ tưởng chừng trái nghịch nhau thành một một cụm từ Lãnh Đạo Phụng Sự (Servant Leadership). Như cách nói của Tiến sĩ Don Frickthì đó là “lời thì thầm không tên trong sâu thẳm tâm trí và tâm hồn của mỗi con người cuối cùng đã được đặt tên.”
Hơn nửa thế kỷ qua, Lãnh đạo Phụng sự âm thầm phát triển và trở thành một xu hướng mạnh mẽ khắp toàn cầu. Một thế giới ngày càng biến động, khó lường thể hiện qua rất nhiều các cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu thì tinh thần Lãnh Đạo Phụng Sự lại càng có cơ hội thể hiện được giá trị và tính hiệu quả.
Danh sách các tổ chức, tập đoàn trên thế giới thực hành Lãnh đạo Phụng sự ngày càng nhiều hơn như Marriott International, Starbucks, Nordstrom, SAS, Southwest Airlines, Wal-Mart Stores, Whole Foods, Zappos.com… Những lợi ích từ việc xây dựng Văn hoá Phụng sự và tinh thần Lãnh đạo Phụng sự ngày càng trở nên rõ ràng: các mối quan hệ trong tổ chức sâu sắc hơn và dựa trên sự tin cậy; khích sự sự tự chủ và tự chịu trách nhiệm cao hơn trong công việc; khuyến khích đổi mới, sáng tạo; phát triển văn hóa tập trung vào con người; mang lại tác động tích cực đáng kể đến hiệu quả hoạt động của công ty; sự hài lòng của con người trong tổ chức và khách hàng được nâng cao; đội ngũ cảm thấy tự hào hơn trong công việc….
Trước vận hội cũng như những thách thức của đất nước và những giá trị to lớn của tinh thần phụng sự, Phungsu.com.vn ra đời với sứ mệnh truyền cảm hứng về tinh thần phụng sự thông qua các hình mẫu của doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam và trên thế giới; tập hợp những kiến thức và hiểu biết một cách có hệ thống và đầy đủ nhất về tinh thần phụng sự qua các bài biết của các nhà tư tưởng lãnh đạo, các chuyên gia thực hành phát triển năng lực lãnh đạo, các nhà nghiên cứu chuyên sâu về lãnh đạo phụng sự; giúp các nhà lãnh đạo tại các tổ chức ở Việt Nam có các phương pháp tiêu chuẩn để thực hành lãnh đạo Phụng sự và xây dựng văn hoá Phụng sự một cách bài bài bản nhất.
Chúng tôi mong muốn phungsu.com.vn sẽ đóng góp vào công cuộc tạo ra những nhà lãnh đạo có khát vọng lớn, với đầy đủ những năng lực và phẩm chất để cùng hiện thực hoá ước mơ ‘Vì Một Việt Nam Hùng Cường”.