10 Phẩm chất và năng lực của lãnh đạo phụng sự

Larry C. Spears

Larry C. Spears, một tác giả và diễn giả nổi tiếng về lãnh đạo phụng sự, ông là chủ tịch đồng thời làm giám đốc điều hành của Trung tâm Lãnh đạo Phụng sự Spears (www.spearscenter.org) và cũng là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về lãnh đạo phụng sự tại Đại học Gonzaga. Từ năm 1990 đến năm 2007, Larry làm chủ tịch và đảm nhiệm cả vị trí giám đốc điều hành của Trung tâm Lãnh đạo Phụng sự Robert K. Greenleaf. Ông là biên tập viên và tác giả đóng góp hàng chục cuốn sách về lãnh đạo phụng sự bao gồm cả Insights on Leadership (tạm dịch là “Những hiểu biết sâu sắc về Lãnh đạo”), cũng như làm biên tập viên cho năm cuốn sách viết về các tác phẩm của Greenleaf.

CỤM TỪ PHỤNG SỰ và nhà lãnh đạo thường được coi là đối lập nhau. Khi cố ý kết hợp những từ đó lại với nhau một cách có ý nghĩa vào năm 1970, Robert K. Greenleaf, một giám đốc điều hành đã nghỉ hưu của AT&T, ông đã đưa ra thuật ngữ đầy nghịch lý về sự lãnh đạo phụng sự. Theo đó, ông đã phát động một cuộc cách mạng thầm lặng theo cách chúng ta nhìn nhận và thực hành về việc lãnh đạo. Nhiều thập kỷ sau đó, những nhà quản lý hiệu quả nhất và cả các nhà tư tưởng lãnh đạo hàng đầu đều viết và nhắc tới lãnh đạo phụng sự, như được minh chứng trong cuốn sách này. Vậy Lãnh đạo phụng sự là gì? Chúng ta hãy tìm hiểu định nghĩa qua bức tranh toàn cảnh của Greenleaf:

Người lãnh đạo phụng sự, trước tiên phải phụng sự. Nó bắt đầu với cảm giác tự nhiên rằng một người muốn phụng sự. Sau đó lựa chọn có ý thức sẽ mang lại cho người đó đến với khao khát lãnh đạo. Bài kiểm tra tốt nhất là: những người với tinh thần phụng sự có phát triển như là những con người tốt đẹp không: khi được phụng sự, họ có trở nên tốt hơn, khôn ngoan hơn, tự do hơn, tự chủ hơn, có nhiều khả năng trở thành những người phụng sự hay không? Và, điều gì ảnh hưởng đến những người có ít đặc quyền nhất trong xã hội; họ sẽ được hưởng lợi hay ít nhất là không bị tước đoạt gì thêm?

Bài viết “Mười đặc điểm của một nhà lãnh đạo phụng sự” viết năm 1992, tôi đã trích xuất từ các bài viết của Robert K. Greenleaf để cho ra một tập hợp mười đặc điểm của nhà lãnh đạo phụng sự, mà tôi coi là có tầm quan trọng và trọng tâm đối với sự phát triển của các nhà lãnh đạo phụng sự. Vài thập kỷ kể từ thời điểm đó, một phần công việc của tôi trong lĩnh vực lãnh đạo phụng sự tập trung vào việc khuyến khích sự hiểu biết sâu sắc hơn về các đặc điểm sau đây và cách chúng đóng góp vào thực tiễn đầy ý nghĩa của các nhà lãnh đạo phụng sự. Mười đặc điểm này là:

1. Lắng nghe: Các nhà lãnh đạo theo truyền thống thường được đánh giá cao nhờ các kỹ năng giao tiếp và ra quyết định. Mặc dù đây cũng là những kỹ năng quan trọng đối với nhà lãnh đạo phụng sự, nhưng chúng cần được củng cố bằng sự cam kết sâu sắc để chú ý lắng nghe người khác. Nhà lãnh đạo phụng sự tìm cách xác định ý chí của một nhóm và giúp làm sáng tỏ ý chí đó. Họ lắng nghe một cách có tiếp thu những gì được nói và không được nói. Lắng nghe cũng bao gồm việc nghe được tiếng nói bên trong của chính một người. Lắng nghe, cùng với thời gian suy ngẫm, là điều cần thiết cho sự phát triển và hạnh phúc của nhà lãnh đạo phụng sự.

2. Đồng cảm: Người lãnh đạo phụng sự cố gắng hiểu và thông cảm với người khác. Mọi người xứng đáng được chấp nhận và công nhận vì những tinh thần đặc biệt và độc đáo của họ. Người ta giả định chủ ý tốt của đồng nghiệp và cộng sự và không từ chối họ với tư cách là người, ngay cả khi người ta có thể bị buộc phải từ chối chấp nhận một số hành vi hoặc thành tích. Những nhà lãnh đạo phụng sự thành công nhất là những người đã trở thành những người có kỹ năng lắng nghe thấu cảm.

3. Chữa lành: Việc hàn gắn các mối quan hệ là một động lực mạnh mẽ để chuyển đổi và hòa nhập. Một trong những điểm mạnh tuyệt vời của lãnh đạo phụng sự là khả năng chữa lành cho chính bản thân và mối quan hệ của họ với những người khác. Nhiều người đã suy sụp tinh thần và phải chịu nhiều tổn thương về tình cảm. Mặc dù đây là một phần của con người, nhưng các nhà lãnh đạo phụng sự nhận ra rằng họ có cơ hội để giúp làm quen với những người mà họ tiếp xúc. Trong bài tiểu luận “Người Phụng sự là Lãnh Đạo”, Greenleaf viết, “Có một điều gì đó tinh tế được truyền đạt cho một người đang được phụng sự và lãnh đạo nếu, ngầm hiểu trong sự ràng buộc giữa nhà lãnh đạo phụng sự và người được lãnh đạo, là sự hiểu biết rằng việc tìm kiếm sự trọn vẹn là điều mà họ cùng chia sẻ với nhau.”

 4. Nhận thức: Nhận thức chung, và đặc biệt là nhận thức về bản thân, tăng cường sức mạnh cho nhà lãnh đạo phụng sự. Nhận thức giúp một người hiểu các vấn đề liên quan đến đạo đức, quyền lực và các giá trị. Nó cho phép mình có thể xem xét hầu hết các tình huống từ một vị trí tích hợp hơn, tổng thể hơn. Như Greenleaf nhận xét, “Nhận thức không phải là thứ mang lại niềm an ủi – nó hoàn toàn ngược lại. Nó là một kẻ quấy rầy và một kẻ thức tỉnh. Các nhà lãnh đạo có khả năng thường rất tỉnh táo và bị xáo trộn một cách hợp lý. Họ không phải là người tìm kiếm sự an ủi. Họ có sự thanh thản bên trong của riêng họ ”.

5. Thuyết phục: Một đặc điểm khác của các nhà lãnh đạo phụng sự là phụ thuộc vào khả năng thuyết phục, thay vì dựa vào quyền hạn của một người, trong việc đưa ra các quyết định trong một tổ chức. Nhà lãnh đạo phụng sự tìm cách thuyết phục người khác, thay vì ép buộc tuân thủ. Yếu tố đặc biệt này cung cấp một trong những sự khác biệt rõ ràng nhất giữa mô hình chuyên chế truyền thống và mô hình lãnh đạo phụng sự. Nhà lãnh đạo phụng sự có hiệu quả trong việc xây dựng sự đồng thuận trong các nhóm. Sự nhấn mạnh về khả năng thuyết phục thay vì ép buộc này bắt nguồn từ niềm tin của Giáo Hữu Hội (Quakers) – một hội tôn giáo mà Robert K. Greenleaf tham gia.

6. Khái niệm hóa: Các nhà lãnh đạo phụng sự  tìm cách nuôi dưỡng khả năng của họ để mơ những giấc mơ vĩ đại. Khả năng nhìn nhận một vấn đề hoặc một tổ chức từ góc độ khái niệm hóa có nghĩa là người ta phải suy nghĩ xa hơn những thực tế hàng ngày. Đối với nhiều nhà lãnh đạo, đây là đặc điểm đòi hỏi tính kỷ luật và rèn luyện. Nhà lãnh đạo truyền thống bị tiêu thụ bởi nhu cầu đạt được các mục tiêu hoạt động ngắn hạn. Nhà lãnh đạo muốn trở thành một nhà lãnh đạo phụng sự phải mở rộng tư duy của mình để bao hàm tư duy khái niệm dựa trên phạm vi rộng hơn. Trong các tổ chức, về bản chất, việc hình thành khái niệm là vai trò chủ chốt của hội đồng quản trị hoặc những lãnh đạo cấp cao. Thật không may, các hội đồng quản trị đôi khi có thể tham gia vào các hoạt động hàng ngày mà điều này luôn không được khuyến khích — và do đó không đưa ra được những khái niệm có tầm nhìn xa cho một tổ chức. Thành viên hội đồng quản trị chủ yếu cần phải có khái niệm trong định hướng của họ; nhân viên cần phải hoạt động chủ yếu theo quan điểm của họ; và các nhà lãnh đạo điều hành hiệu quả nhất có lẽ cần phát triển cả hai quan điểm bên trong bản thân họ. Các nhà lãnh đạo phụng sự được kêu gọi để tìm kiếm sự cân bằng tinh tế giữa một bên là tư duy khái niệm và một bên là cách tiếp cận hoạt động hàng ngày.

7. Nhìn xa trông rộng: Liên quan mật thiết đến việc hình thành khái niệm, khả năng nhìn thấy trước kết quả có thể xảy ra của một tình huống thì khó xác định nhưng dễ nhận biết hơn. Người ta biết tầm nhìn xa khi một người trải nghiệm nó. Tầm nhìn xa là một đặc điểm cho phép người lãnh đạo phụng sự hiểu được các bài học từ quá khứ, thực tế của hiện tại và hệ quả có thể xảy ra của một quyết định cho tương lai. Nó cũng bắt nguồn từ sâu bên trong trực giác. Tầm nhìn xa vẫn còn là một lĩnh vực chưa được khám phá nhiều trong các nghiên cứu về lãnh đạo, nhưng nó là một lĩnh vực đáng được chú ý nhất.

8. Quản Lý: Peter Block, tác giả của Quản Lý và Nhà Quản Lý Được Trao Quyền”, định nghĩa quản lý là “nắm giữ một thứ gì đó để tạo tin tưởng cho người khác”. Quan điểm của Robert K. Greenleaf  là, tất cả các tổ chức trong đó các giám đốc điều hành, nhân viên và thành viên hội đồng quản trị đều đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho tổ chức của họ trong sự tin tưởng vì lợi ích lớn hơn của xã hội. Lãnh đạo phụng sự, giống như quản lý, nhận lãnh cam kết phụng sự nhu cầu của người khác. Nó cũng nhấn mạnh việc sử dụng sự cởi mở và thuyết phục hơn là kiểm soát.

9. Cam kết với sự phát triển của con người: Các nhà lãnh đạo phụng sự tin rằng mọi người đều có một giá trị nội tại vượt ngoài những đóng góp hữu hình của họ với tư cách là người lao động. Do đó, Nhà lãnh đạo phụng sự cam kết sâu sắc với sự phát triển của mỗi cá nhân trong tổ chức của mình. Nhà lãnh đạo phụng sự nhận ra trách nhiệm to lớn phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để nuôi dưỡng sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của nhân viên. Trong thực tế, điều này có thể bao gồm các hành động cụ thể như tạo ra các quỹ phúc lợi để phát triển cá nhân và nghề nghiệp, quan tâm đến các ý tưởng và đề xuất của mọi người, khuyến khích sự tham gia của người lao động vào việc ra quyết định và tích cực hỗ trợ nhân viên bị sa thải tìm các vị trí công việc khác.

10. Xây dựng cộng đồng: Nhà lãnh đạo phụng sự cảm thấy rằng nhiều thứ đã bị mất đi trong lịch sử loài người gần đây là kết quả của sự thay đổi từ các cộng đồng địa phương sang các tổ chức lớn với tư cách là người định hình chính yếu cho cuộc sống của con người. Nhận thức này khiến nhà lãnh đạo phụng sự tìm cách xác định một số cách thức cho việc xây dựng cộng đồng giữa những người làm việc trong tổ chức. Lãnh đạo phụng sự gợi ý rằng cộng đồng thực sự có thể được tạo ra giữa những người làm việc trong các doanh nghiệp và các tổ chức khác. Greenleaf nói, “Tất cả những gì cần thiết để xây dựng lại cộng đồng như một dạng thức sống động cho nhiều người đủ để các nhà lãnh đạo phụng sự dẫn đường, không phải bằng các phong trào quần chúng, mà bởi mỗi nhà lãnh đạo phụng sự thể hiện trách nhiệm vô hạn của mình đối với nhóm cộng đồng hết sức cụ thể.”

10 phẩm chất và kỹ năng trên của nhà lãnh đạo phụng sự không hẳn là đã toàn diện, nhưng chúng phục vụ cho việc truyền đạt sức mạnh và sự cam kết, rằng ý tưởng này dâng tặng cho những ai luôn cởi mở với sự mời gọi và thử thách của tinh thần phụng sự. Chúng ta đang trả qua sự thay đổi nhanh chóng trong nhiều doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận – thoát khỏi các mô hình cấp bậc và sự chuyên quyền của lãnh đạo truyền thống đồng thời hướng đến lãnh đạo phụng sự như là một cách để xây dựng mối quan hệ với người khác. Sự quan tâm đến ý nghĩa và khả năng vận dụng của lãnh đạo phụng sự vẫn không ngừng được phát triển. Minh chứng cho điều này là nhiều đầu sách, bài báo và bài viết về chủ đề này đã được phát hành. Các buổi hội thảo, khóa học và chứng chỉ về lãnh đao phụng sự hiện đã sẵn có. Nhiều công ty đã được vinh danh trong danh sách “The 100 Best Companies to Work For – 100 nơi làm việc tốt nhất” hàng năm trên tạp chí Foturne, thừa nhận và tán dương lãnh đạo phụng sự và áp dụng vào văn hóa doanh nghiệp. Công việc của tôi về lãnh đạo phụng sự trong suốt 25 năm qua đã giúp tôi trực tiếp và gián tiếp tiếp xúc được với hàng triệu người đón nhận lãnh đạo phụng sự, và giờ đây họ đang tiếp tục làm việc để tạo ra các tổ chức với sự dẫn dắt bởi tinh thần phụng sự. Những đặc điểm của lãnh đạo phụng sự thường xuất hiện một cách tự nhiên trong nhiều cá nhân và giống như nhiều khuynh hướng tự nhiên khác, chúng có thể được tăng trưởng thông qua học tập và thực hành. Lãnh đạo phụng sự mang lại hy vọng lớn lao cho tương lai trong việc tạo ra các thể chế tốt đẹp hơn, quan tâm lẫn nhau nhiều hơn.

Mr Happy dịch từ Servant Leadership in Action

One thought on “10 Phẩm chất và năng lực của lãnh đạo phụng sự

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *